Là một người cha, tôi thấu hiểu rằng con cái là trái ngọt mà đấng tạo hóa ban cho, là điều quý giá nhất của cuộc đời, là sự thiêng liêng của vũ trụ này. Vì vậy hãy trân quý và yêu thương chúng. Những đứa trẻ không có quyền lựa chọn cha mẹ khi sinh ra, chính chúng ta đã tạo ra thì hãy có trách nhiệm với những đứa con của mình!
Trong suốt hành trình của Chuyến xe chia sẻ. Không ít lần tôi cảm thấy chạnh lòng và xót thương cho những trường hợp mà tôi gặp gỡ. Nhưng có lẽ, câu chuyện của những đứa trẻ ở các mái ấm và các chùa đã để lại trong tôi nhiều xúc cảm không nói thành lời.
Hơn 50 trẻ em mồ côi hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được Sư Cô trụ trì nhận về chùa Long Phước Điền cưu mang bảo bọc
Sáng ngày 19/4 tôi cùng Ekip của mình có dịp đến 3 ngôi chùa là Chùa Long Phước Điền, chùa Từ Ân, chùa Hồng Quang (thuộc tỉnh Đồng Nai; Bà Rịa-Vũng Tàu) để thăm và tặng quà cho các em nhỏ đang được các sư thầy, sư cô nuôi dạy.
Qua lời kể của các sư thầy, sư cô, những đứa trẻ ở đây này đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Các em không biết ba mẹ, cội nguồn của mình. Nhưng có lẽ điều khiến tôi xúc động là hình ảnh những đứa trẻ bị khiếm khuyết trên cơ thể. Ngày thường khi tiếp xúc với những bệnh nhân tìm đến mình để chữa lành những khuyết điểm thì tôi cũng đã hiểu được nỗi lòng của họ. Nhưng có lẽ tôi cảm thấy họ may mắn hơn những đứa trẻ này, bởi họ còn có gia đình, còn tình yêu đặc biệt từ đấng sinh thành.
Sính Thể – Cậu bé siêng năng và ngoan ngoãn nhất chùa được Sư Cô nhận về nuôi vì hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, ba mẹ em rất nghèo, không có đủ điều kiện để chăm lo cho em đủ đầy
Các em không có được một gia đình trọn vẹn, không nhận được sự yêu thương từ người đã sinh ra mình, bất công hơn chính là một số em có khiếm khuyết trên cơ thể, mà đối với một người trưởng thành đó là một nỗi bất hạnh không gì sánh bằng.
Sư Thầy Thích Thiện Thông ( Mái ấm Hồng Quang) kể rằng: “Từ khi thành lập thì nhà chùa đã tiếp nhận 80 em, trong đó có 60 em là bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra. Ban đầu chùa thành lập ra không phải để nuôi trẻ em. Chắc cũng do cái duyên, có 1 đêm khuya khi các thầy đang tụng kinh thì có nghe tiếng của một đứa trẻ khóc vang lên từ phía cổng. Thấy thương quá, các thầy nhận vào nuôi, rồi ngày càng nhiều người đem con bỏ trước cổng chùa. Cũng có lúc cảm thấy khó khăn, tưởng chừng như gục ngã vì không biết cần bao nhiêu tiền để nuôi các em đủ ấm no. Nhưng rồi cũng gạt qua khi nhìn thấy các em lớn lên, được học hành đến nơi đến chốn.”
Trẻ em cơ nhỡ được nuôi dưỡng tại mái ấm Hồng Quang
Sư cô trụ trì (Chùa Long Phước Điền) chia sẻ: “Những đứa trẻ đang sống ở chùa là được các sư cô mang về khi thấy các em lang thang ngoài đường không nơi tựa. Trong số đó, cũng có cháu bị khuyết tật, bại não bị cha mẹ mang đến bỏ trước cổng chùa mà không một lời gửi gắm.”
Cậu bé này được chùa nhận về nuôi từ khi còn nhỏ. Những tưởng em đã không qua khỏi sau một lần bị xe tải 4 tấn cán qua người. Nhưng với tất cả sự nỗ lực và kiên trì chạy chữa, em đã may mắn thoát chết và dần hồi sinh trở lại
Không ai có quyền phán xét nhưng chúng ta có nhẫn tâm quá không khi bỏ rơi con chúng ta? Làm sao các em có thể vượt qua sự nghiệt ngã của số phận ?
Trước lúc về, tôi hỏi sư cô Chùa Long Phước Điền: “Tiền của ở đâu để nuôi hết những đứa trẻ này?”
Sư cô nói: “Nhờ sự giúp đỡ của mọi người.”
Tôi hỏi tiếp: “Có bao nhiêu người thành đạt từ nơi đây quay trở lại giúp đỡ?”
Cô đăm chiêu một lát rồi trả lời: “Hiếm lắm Bác sĩ ơi!”
Thật chua xót! Không ai gánh vác hết mọi thứ trên đời, mỗi người cùng chung tay một chút, chia sẻ một chút….Đặc biệt những đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc sinh ra đừng bao giờ chối bỏ nơi cưu mang, giáo dưỡng mình…
Tôi thật sự cảm phục trái tim rộng lớn của các Sư ở các ngôi chùa, mái ấm này. Nếu không có sự cưu mang của họ thì không biết cuộc sống của các em sẽ như thế nào? Mong rằng tình yêu thương của các Sư sẽ phần nào an ủi và chữa lành những tổn thương mà các em đã chịu. Nếu có cơ hội tôi sẽ quay trở lại thăm các em và các sư thầy, sư cô nơi đây lần nữa.
Nguồn: TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung