TS. BS NGUYỄN PHAN TÚ DUNG: THƯƠNG LẮM ĐỜI NGHỆ SĨ!

Icon User Tham vấn y khoa: TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung

Sau chuyến hành trình đến thăm viện dưỡng lão nghệ sĩ Quận 8, TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung vô cùng xúc động khi được gặp mặt và tâm sự cùng những nghệ sĩ ưu tú cải lương một thời.

Ngày 23/04/2020, TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung cùng ekip chương trình Chuyến xe chia sẻ đã đi sâu tận cùng vào con hẻm nhỏ đường Âu Dương Lân Quận 8 để dừng chân lại ở một địa điểm đặc biệt. Đó là viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM – nơi cư trú của những nghệ sĩ cải lương ưu tú một thời.

TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung thăm hỏi sức khỏe NSƯT Diệu Hiền

Những nghệ sĩ nơi đây đều đã trên 70 tuổi, người lớn nhất đã 94, cuộc sống vô cùng khó khăn hiếm ai biết. Mặc dù lớn tuổi và không còn điều kiện cũng như sức khỏe tham gia biểu diễn trên sân khấu, các cụ vẫn lạc quan, đam mê với nghề, tự ngân nga những câu hát tha thiết nơi con hẻm nhỏ.

TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung thăm hỏi các nghệ sĩ trong Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Quận 8

Những bao gạo nghĩa tình được trao tận tay các nghệ sĩ

Lắng nghe tâm sự cuộc đời cùng những lời nhắn nhủ tha thiết qua câu hát cải lương của các nghệ sĩ vang bóng khi xưa, bác sĩ Tú Dung nghẹn ngào xúc động không cầm được nước mắt. Những tâm tư, cảm xúc ấy được chia sẻ trên trang cá nhân của TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung như sau:

“Thương Lắm Đời Nghệ Sĩ!
Chặng đường của Chuyến Xe Chia Sẻ khép lại với nhiều dấu ấn đẹp và cảm xúc khó quên. Mỗi nơi tôi đi qua đều là một câu chuyện về cuộc đời con người.
Cuộc nói chuyện giữa với các nghệ sĩ tại Viện dưỡng lão Quận 8, lại khiến tôi suy nghĩ thêm nhiều về sự vô thường trong cuộc sống. Những nghệ sĩ ở đây họ đều đã từng là những nghệ sĩ có tiếng trong nghệ thuật cải lương. Trước đó là ánh hào quang, sự tung hô nồng nhiệt của khán giả khi bước lên sân khấu. Nhưng rồi, hết tuổi nghề họ lặng lẽ với những ngày còn lại tại viện dưỡng lão. Nơi đây cưu mang gần 20 nghệ sĩ, họ đều từng là những người có một thời vàng son. Cả thanh xuân, tuổi trẻ họ dành cho nghệ thuật cải lương. Thậm chí có người kể với tôi rằng :” Vì quá đam mê bộ môn nghệ thuật này, mà sẵn sàng trốn gia đình để đi theo gánh hát. Không phải vì tiền mà vì quá yêu sân khấu, yêu cải lương, muốn đem giọng hát của mình phục vụ cho người dân. “
Đời sống cải lương vốn dĩ đã khó khăn rồi, thêm gia đình không ủng hộ, nhưng họ vẫn đã sống hết mình vì đam mê, vẫn lạc quan và hạnh phúc với cuộc sống ở viện dưỡng lão.
Đó có lẽ là điều khiến tôi cảm thấy khâm phục những người nghệ sĩ nơi đây !
May mắn thay, khi tôi và đoàn của mình được trò chuyện cùng các nghệ sĩ và được thưởng thức một đoạn trong Trụ Vương thiêu mình do NSƯT Diệu Hiền hát. (cô được mệnh danh là đệ nhất đào võ sân khấu cải lương ).
Dù năm nay NSƯT Diệu Hiền đã 75 tuổi, thường phải di chuyển bằng xe lăn do tuổi đã cao, sức yếu nhưng giọng hát cô vẫn còn khoẻ và hay lắm. Từng động tác tay của cô vẫn rất dứt khoát và có hồn đúng như phong cách của một đào võ chuyên nghiệp. Hơn cả điều đó, sự lạc quan và yêu đời trong từng câu nói của nữ nghệ sĩ đa tài Diệu Hiền là để lại dấu ấn khó phai trong lòng tôi.
Khi tôi hỏi rằng “ Cuộc sống ở đây, thì có được chu cấp đầy đủ không ?”
Cô vui vẻ: “ Thì ngày 2-3 bữa cơm, có tiền thì bỏ túi để dành. Sáng uống cafe, tối đói bụng thì mua đồ ăn..”
Dù không có nhiều thời gian ở lại nơi đây, và chỉ được gặp gỡ những nghệ sĩ trong một chuyến đi ngắn ngủi nhưng tôi đã trải nghiệm được nhiều thứ từ họ. Vừa thấy thương nhưng cũng cảm thấy khâm phục.
Dẫu biết rằng cuộc đời này vẫn là vòng quay vội vã, nhưng chỉ cần được sống hết mình bằng đam mê thì một ngày thôi cũng thấy rất ý nghĩa.”

Đôi mắt sâu thẳm và mái tóc bạc trắng đã nhuốm màu thời gian

Những câu hát vang vọng, ánh mắt tràn đầy đam mê đưa người nghe trở về một thời vàng son đã từng. Tiếng hát cảm xúc và tình cảm như chính bản thân những nghệ sĩ ưu tú nơi đây. Mong rằng giọng hát vàng son ấy sẽ mãi được cất lên, vang vọng da diết, cùng với khát khao được phục vụ cho người dân và cho cuộc sống này.
Bệnh Viện JW Hàn Quốc