Nhập viện mổ khẩn vì túi nâng ngực 2500 USD vỡ

Vừa qua, các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp, tháo túi nâng ngực ‘hiện đại nhất của Pháp’ giá 2500 USD cho một phụ nữ Lâm Đồng vì túi ngực vỡ nát hoàn toàn, silicon chảy tràn hố nách…

Các bác sĩ giải phẫu khẩn cấp lấy túi nâng ngực PIP bị vỡ trong ngực bệnh nhân

Ngày 5-10, các bác sĩ Bệnh viện JW Hàn Quốc (TP.HCM) đã phẫu thuật khẩn cấp tháo túi ngực và nạo vét các mảnh silicon công nghiệp dính chặt ở các mô tuyến ngực cho bệnh nhân B.T.A (49 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng).
 
Điều đặc biệt là bệnh nhân được nâng ngực bằng túi silicon Poly Implant Prothese (PIP) kém chất lượng, bị cấm nhập khẩu và lưu hành trên toàn thế giới vào năm 2010. Jean-Claude Mas (Pháp), ông chủ công ty bán túi silicon nâng ngực này đã bị bắt, kết án sau đó vì đã gây ra vụ bê bối về sức khỏe trên toàn cầu.
 
Bệnh nhân cho biết cách đây 14 năm từng nâng ngực tại một thẩm mỹ viện nhỏ ở Q.1 (TP.HCM). Thời điểm ấy, túi ngực có giá 2.500 USD và được bác sĩ thẩm mỹ quảng cáo là “hiện đại nhất của Pháp”.
 
Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, chị A. thấy xung quanh đầu ti vú xuất hiện nhiều vết thâm tím, vùng khoang ngực ngứa âm ỉ rất khó chịu. Gần đây những vết thâm tím chuyển sang màu đen, lan rộng khắp cả quầng vú, ngứa kèm những cơn đau co thắt thường xuyên.
 
Kết quả chụp MRI cho thấy túi ngực bên phải của bệnh nhân đã vỡ. Tình trạng này kéo theo silicon từ túi ngực trào ra ngoài, thẩm thấu vào các mô, tuyến và lớp biểu bì da, thậm chí tràn ra hố nách phải khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng đau nhức, ngứa ngáy. 
 
Túi ngực bên trái cũng bị móp, biến dạng và vùng ngực có dấu hiệu co thắt bao xơ.
 
Các bác sĩ tiến hành giải phẫu khẩn cấp tháo túi ngực và nạo vét các mảnh silicon công nghiệp đang dính chặt ở các mô tuyến ngực. Dịch nhầy màu vàng (túi ngực bình thường có màu trong suốt) chảy khắp khoang ngực, buộc êkíp phải tỉ mỉ vét sạch từng chút các mảnh silicon công nghiệp dính chặt trong các thớ thịt của bệnh nhân, sau đó bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong ngực để tránh nguy cơ viêm mô tuyến ngực hoặc ung thư vú. 
 
Silicon từ túi ngực trào ra ngoài, thẩm thấu vào các mô, lớp biểu bì da khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng đau nhức, ngứa ngáy
 
Sau gần 4 giờ phẫu thuật, hiện sức khỏe chị A đã ổn định, tiếp tục được tiêm truyền kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng.
 
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung – giám đốc bệnh viện, dẫn lại thông tin từ Đài truyền hình CNN (Hoa Kỳ) cho biết túi ngực PIP sử dụng silicon công nghiệp giá rẻ gấp 7 lần so với với loại silicon hãng đã đăng ký với cơ quan kiểm định chất lượng.
 
Chất này có tính ăn mòn cao nên dễ gây thấm nứt, khi lan ra ngoài có thể gây rát, viêm nhiễm. Đặc biệt, túi ngực này có có tỉ lệ vỡ cao hơn bình thường, khi vỡ có thể gây viêm, sẹo và xơ hóa. 
 
“Túi ngực PIP bị cấm nhập khẩu và thu hồi khỏi thị trường. Ở Việt Nam cũng chưa bao giờ cho phép nhập khẩu túi ngực này. Nếu có ở thị trường thì chỉ có thể là hàng lậu trôi nổi”, bác sĩ Dung khuyến cáo.
 

2.700 phụ nữ đâm đơn kiện “ông chủ” túi silicon nâng ngực

Năm 2012, Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin từ cảnh sát Pháp cho biết ông Jean-Claude Mas, chủ công ty bán túi silicon nâng ngực PIP không đạt tiêu chuẩn bị bắt, kết án và xử tù vì tội lừa đảo.

Ông này được xác định bán khoảng 300.000 túi nâng ngực silicon trên toàn cầu và lần đầu tiên thừa nhận “sử dụng silicon chưa qua thẩm định và xem thường việc nó có thể gây nguy hại cho sức khỏe”.

Năm 2010, PIP bị cấm lưu hành trên toàn thế giới và sau đó Chính phủ Pháp khuyến cáo những phụ nữ đã sử dụng túi nâng ngực của PIP nên đi phẫu thuật tháo bỏ chúng. Thời điểm ấy, có khoảng 2.700 phụ nữ ở Pháp đâm đơn kiện Mas.

Nguồn: báo Tuổi Trẻ

Xem thêm:
Bệnh Viện JW Hàn Quốc
Từ khóa:
Bài viết này không có thẻ nào.