Cuồng phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc

Đã từ lâu, Seoul nổi tiếng là “thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ ” tại châu Á. Nhưng ở Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng trở nên cực đoan hơn và đã trở thành tấm vé tối cần thiết để đi xin việc hoặc lập gia đình.

Cô Chang Hyang Sook, 25 tuổi, lại tới bệnh viện để phẫu thuật thẩm mỹ. Lần này cô bỏ ra 2,3 triệu won (2.000 USD) để cắt mắt hai mí. Loại phẫu thuật này đã trở nên thông thường đến nỗi rất nhiều phụ nữ ở thủ đô Seoul đều có mắt hai mí, dù trên thực tế 75% phụ nữ Hàn Quốc sinh ra với mắt một mí. “Xin hãy phẫu thuật thật cẩn thận cho tôi – cô Chang tha thiết nói với bác sĩ – Tôi không sợ đau”.

Ca cắt mí mắt chỉ là một trong hàng loạt cuộc phẫu thuật thẩm mỹ gần đây của cô Chang để chỉnh sửa lại gương mặt. Trong hai tháng qua, cô đã sửa cả hàm răng và chi tới 22 triệu won (19.800 USD) để gọt và chỉnh xương hàm. “Muốn đẹp thì phải chịu đau. Ngày nay chuyện cắt mí mắt là thường thôi mà. Ở đây thậm chí chẳng ai coi đó là phẫu thuật thẩm mỹ”.


Như đi mua túi xách


Đã từ lâu, phẫu thuật thẩm mỹ là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với phụ nữ và thậm chí cả nam giới Hàn Quốc. Nhiều năm trước nhiều người còn e ngại, ngượng ngùng với việc phẫu thuật thẩm mỹ và thường tìm cách che giấu. “Ngày xưa các bà mẹ thường bí mật đưa con gái đi sửa mặt trước khi đi mai mối. Nhưng giờ cô nào chưa từng đi phẫu thuật bị coi là nhà quê” – bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng Park Sang Hoon thuộc Bệnh viện ID ở Seoul cho biết.


Một phần nguyên nhân là do các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc và truyền hình Hàn Quốc ngày càng cởi mở đối với việc phẫu thuật thẩm mỹ. “Tivi độ phân giải cao buộc các ngôi sao phải tìm mọi cách để trông thật hoàn hảo mỗi khi lên hình – giáo sư ngành khoa học tiêu dùng Rando Kim thuộc ĐH Quốc gia Seoul nhận định – Và người hâm mộ thường tung ảnh các ngôi sao trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ lên Internet để đối chiếu. Do đó họ không thể che giấu được nữa và công khai nói về chuyện đó trên tivi”.


Chính sự cởi mở này đã khiến phong trào phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc ngày càng trở nên “cực đoan” hơn. Phụ nữ Hàn Quốc giờ không còn hài lòng với những kiểu “tút” nhan sắc thông thường như cắt mí mắt, bơm môi, sửa mũi hay bơm ngực. Họ lao vào các cuộc phẫu thuật đầy đau đớn như gọt xương gò má hay gọt và chỉnh xương hàm. Cô Chang Hae Jin, sinh viên 21 tuổi, xấu hổ với hàm răng và cái cằm hơi nhô ra đã quyết định đi gọt cằm ở chỗ bác sĩ Park Sang Hoon.


Trong ít nhất sáu tuần sau cuộc phẫu thuật, cô không thể ăn uống hay nói năng gì vì mặt bị sưng và bị băng kín. “Cực kỳ đau đớn, nhưng cũng đáng thôi – cô Chang vui vẻ nói – Cả một thế giới đã mở ra trước mắt tôi. Trên tàu điện ngầm hôm nay, một người đàn ông đã chủ động bắt chuyện, tán tỉnh tôi. Anh ấy nói rằng tôi trông rất trẻ. Cuộc sống của tôi đã bừng sáng”. Trung tâm của bác sĩ Park đã thực hiện hơn 3.000 cuộc phẫu thuật gọt hàm trong vòng vài năm qua.

Nhà tâm lý học Whang Sang Min thuộc ĐH Yonsei cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành thứ vũ khí tối thượng để người Hàn Quốc gây ấn tượng với người khác. “Phẫu thuật thẩm mỹ giống như chuyện mua một cái túi xách đắt tiền vậy”. Theo khảo sát năm 2009 của Hãng nghiên cứu thị trường Trend Monitor, cứ năm phụ nữ Seoul tuổi từ 19-49 thì có một người từng phẫu thuật. Hiện tại ở Seoul có gần 4.000 trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, chủ yếu tập trung ở các quận sang trọng phía nam, được gọi là “vành đai sắc đẹp”.


Cảnh báo “hội chứng”


Mới đây, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ra một cuốn sách mang thông điệp cảnh báo giới học sinh trung học về “hội chứng phẫu thuật thẩm mỹ”. Bộ Giáo dục chỉ ra những ví dụ đau lòng của phẫu thuật thẩm mỹ như vua nhạc pop Michael Jackson hay một phụ nữ địa phương vì mê phẫu thuật thẩm mỹ nên khuôn mặt bị biến dạng. Hồi tháng 11-2010, một phụ nữ Seoul đã treo cổ tự sát vì ca phẫu thuật gọt xương hàm thất bại. “Mỗi phút giây đều là những cơn đau khủng khiếp” – nạn nhân này viết trong nhật ký.


Tuy nhiên, nỗ lực của Bộ Giáo dục Hàn Quốc xem ra không có hiệu quả. Bởi ở nước này nhiều bậc phụ huynh treo phần thưởng cho con nếu đỗ đại học là một ca phẫu thuật cắt mí mắt hay nâng mũi. Hơn nữa, các bác sĩ cho biết ngày càng nhiều phụ nữ đi phẫu thuật thẩm mỹ để kiếm chồng và đi xin việc làm. “Việc càng ít thì người ta càng tin rằng phải có ngoại hình kha khá mới cạnh tranh được” – nhà xã hội học Choi Set Byol thuộc ĐH Phụ nữ Ewha cho biết.


Tháng trước, một đài truyền hình ở Seoul đã bí mật quay cảnh một bác sĩ bệnh viện tìm cách thuyết phục một phụ nữ thực hiện phẫu thuật gọt hàm. “Cô có muốn lấy chồng không? – bác sĩ này nói trong đoạn phim – Nếu muốn thì phải phẫu thuật thôi, phải chịu mạo hiểm”.


Một trong những hậu quả của tình trạng người người đi “đại tu” nhan sắc là việc rất nhiều phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc trông na ná nhau. Bác sĩ Park kể: “Nhiều bà nhiều cô đến đây, tay cầm ảnh một số ngôi sao và nói rằng họ muốn có gương mặt như thế. Đa số phụ nữ trẻ hiện nay muốn có một gương mặt nhỏ, thanh theo kiểu phương Tây. Trong khi khoảng 90% người Hàn Quốc không có khuôn mặt như vậy”. Bác sĩ Kim Byung Gun thuộc Bệnh viện BK DongYang trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ vào loại lớn nhất Hàn Quốc, cũng cho biết rất nhiều khách hàng nói họ không thích gương mặt của họ mà thích kiểu gương mặt Tây.


Chẳng phải ai ở Hàn Quốc cũng lấy làm vui vẻ với hiện tượng trên. Đạo diễn điện ảnh Im Kwon Taek thường than thở ông chẳng kiếm đâu ra một nữ diễn viên có gương mặt kiểu Hàn Quốc cổ điển. Ông kể có lần xem một cuộc thi sắc đẹp địa phương, ông đã nhảy dựng lên khi thấy một cô gái trẻ có gương mặt tròn trịa, đôi mắt tự nhiên. Cuối cùng ông đã tuyển cô này làm diễn viên trong một bộ phim cổ trang của ông.

Nguồn : Tuổi Trẻ Online

 

Xem thêm:
Bệnh Viện JW Hàn Quốc
Từ khóa:
Bài viết này không có thẻ nào.