Thông tin về đất nước Hàn Quốc

Địa lý

Hàn Quốc nằm trên Bán đảo Triều Tiên, một bán đảo trải dài 1.000 km từ bắc tới nam, ở phần đông bắc của lục địa châu Á, nơi hải phận của bán đảo tiếp giáp với phần cực tây của Thái Bình Dương. Phía bắc bán đảo tiếp giáp với Trung Quốc và Nga. Phía đông của bán đảo là Biển Đông, xa hơn nữa là nước láng giềng Nhật Bản. Ngoài bán đảo chính còn có hơn 3.200 đảo nhỏ.


Tổng diện tích của bán đảo Triều Tiên là 222.154 km2, gần bằng diện tích của Anh hay Romania. Không kể diện tích đất khai hoang, diện tích đất canh tác là 99.617 km2, chiếm 45% tổng diện tích. Địa hình núi non chiếm khoảng hai phần ba diện tích lãnh thổ, giống Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary hoặc Ai-len.

Dãy Taebaeksan chạy suốt chiều dài bờ biển phía đông, nơi những con sóng của Biển Đông đập mạnh vào núi đã tạo ra các vách đá dốc và các bãi đá. Sườn phía tây và phía nam bán đảo bằng phẳng hơn, với những vùng đồng bằng và rất nhiều đảo ở ngoài khơi tạo thành những vịnh nhỏ.

Bán đảo nổi bật với nhiều ngọn núi và dòng sông kỳ vĩ, vì vậy người Hàn thường ví đất nước mình như một tấm gấm thêu đẹp đẽ.

Núi Baekdusan ở miền bắc bán đảo là ngọn núi cao nhất với độ cao 2.744m so với mực nước biển và trải dài theo đường biên giới phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Baekdusan là ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động nơi một hồ nham thạch rộng đã được hình thành với cái tên Cheonji. Ngọn núi này được coi là một biểu tượng đặc biệt của tinh thần Hàn Quốc và được nhắc đến trong bài quốc ca.

So với quy mô lãnh thổ, bán đảo Triều Tiên có số lượng sông suối tương đối lớn. Hệ thống đường thủy này đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành lối sống của người Hàn và trong cả công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Hai con sông dài nhất ở bắc bán đảo là Amnokgang (Yalu, 790km) và Dumangang (Tumen, 521km). Hai con sông này đều bắt nguồn từ ngọn núi Baekdusan rồi lần lượt đổ xuống theo hướng tây và đông, tạo nên biên giới phía bắc của bán đảo.

Ở nam bán đảo, sông Nakdonggang (525km) và sông Hangang (494 km) là hai đường thủy chủ yếu. Sông Hangang chảy ngang qua Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, được coi là con đường sinh mệnh cho dân cư tập trung đông đúc ở khu vực trung tâm của đất nước Hàn Quốc ngày nay, như nó đã giúp cho dân cư các vương quốc cổ đại phát triển dọc theo hai bờ sông.

Bao quanh ba mặt của bán đảo, đại dương đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người Hàn từ ngàn xưa và đã góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và kỹ năng hàng hải.

Khí hậu
Hàn Quốc có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân và mùa thu khá ngắn, mùa hè nóng và ẩm ướt, mùa đông thì lạnh, khô và tuyết rơi nhiều, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, không phải dọc theo bờ biển phía nam.

Khí hậu cũng khác nhau tại các vùng trên đất nước, với nhiệt độ trung bình từ 60C (430F) đến 160C (610F). Nhiệt độ trung bình vào tháng Tám, tháng nóng nhất trong năm là từ 190C (660F) đến 270C (810F), trong khi đó nhiệt độ vào tháng Giêng, tháng lạnh nhất trong năm từ -80C (170F) đến 70C (430F).

 

Vào đầu xuân, Bán đảo Triều Tiên thường có “cát/ bụi vàng” do gió cuốn về từ các sa mạc phía bắc Trung Quốc. Nhưng vào giữa tháng Tư, đất nước được hưởng một thời tiết êm dịu với núi và cánh đồng ngập trong màu sắc rực rỡ của các loài hoa dại. Đây là lúc người nông dân chuẩn bị gieo mạ cho vụ lúa hàng năm.

 

Với không khí khô và bầu trời trong xanh như pha lê, mùa thu là mùa mà tất cả người Hàn đều yêu thích. Phong cảnh nông thôn đẹp khác thường với những màu sắc đa dạng. Mùa thu là mùa gặt hái, cũng là mùa của những lễ hội dân gian bắt nguồn từ phong tục tập quán của nhà nông từ thời xa xưa.

 

Con người và dân số

Người Hàn là một dân tộc duy nhất nói một và ngôn ngữ. Với những đặc tính riêng về thể chất, người Hàn được coi là con cháu của một vài bộ lạc Mông Cổ từ vùng Trung Á di cư đến bán đảo Triều Tiên.

Vào thế kỷ thứ 7, rất nhiều quốc gia của Bán đảo lần đầu tiên đã được thống nhất dưới thời vương quốc Silla (57 tr.CN – 935 s.CN). Sự đồng nhất như vậy đã làm cho người Hàn hầu như không bị vướng vào những vấn đề dân tộc và duy trì được tình đoàn kết vững chắc.

Cuối năm 2007, dân số của Hàn Quốc là 48 triệu 450 nghìn người, của CHDCND Triều Tiên là 23 triệu 200 nghìn người, tổng dân số của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên gộp lại là 71 triệu 650 nghìn người.

Tốc độ tăng dân số những năm 60 là 3%/1 năm, bước vào những năm 70 tốc độ này giảm xuống còn 2%/1 năm. Năm 2005 tỷ lệ tăng dân số là 0,21% và dự đoán đến năm 2020 tốc độ này giảm xuống còn 0,02%.

Một khuynh hướng đáng chú ý trong nhân khẩu học của Hàn Quốc là dân số đang già đi theo từng năm. Con số thống kê vào năm 1999 cho thấy 6,9% dân số của Hàn Quốc ở độ tuổi 65 trở lên và đến năm 2005, con số này là 9,1%. Chiều hướng già đi của dân số là do tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, dự tính đến năm 2020 thành phần dân số già sẽ chiếm khoảng 15,7%.

Trong những năm 1960, cơ cấu dân số của Hàn Quốc tạo hình một kim tự tháp, với tỉ lệ sinh cao và tuổi thọ tương đối ngắn. Tuy nhiên cơ cấu theo độ tuổi hiện nay đang tạo thành một hình chuông bởi tỉ lệ sinh thấp và tuổi thọ trung bình kéo dài. Tính tới năm 2020, tỉ lệ dân số trẻ (dưới độ tuổi 15) sẽ giảm xuống, trong khi dân số già (trên độ tuổi 65) sẽ chiếm khoảng 15,7% tổng số dân.

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm 1960 và 1970 đã kéo theo sự di chuyển liên tục của những người dân từ nông thôn ra thành phố, đặc biệt là Seoul, làm cho dân số tăng nhanh tại những khu vực này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số cư dân Seoul di chuyển ra vùng ngoại ô đang tăng dần lên.

Ngôn ngữ

Tất cả người Hàn Quốc đều nói chung 1 ngôn ngữ, đây được coi là nhân tố quyết định trong việc tạo nên bản sắc dân tộc mạnh mẽ của họ. Người HQ đã từng phát triển 1 số phương ngữ khác ngoài ngôn ngữ chuẩn được dùng tại Seoul. Tuy nhiên, những phương ngữ này, trừ ngôn ngữ được nói ở tỉnh Jeju-do, đều khá giống với ngôn ngữ chuẩn, vì thế người nói các tiếng địa phương có thể hiểu được nhau không mấy khó khăn.

Các nhà ngôn ngữ học và các nhà dân tộc học đã xếp tiếng Hàn thuộc hệ ngôn ngữ Altaic bao gồm tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Mông Cổ và tiếng Tungus – Mãn Châu.

Hangeul, bảng chữ cái tiếng Hàn được vua Sejong phát minh vào thế kỷ 15. Trước khi bảng chữ cái ra đời, chỉ 1 phần rất nhỏ dân số có thể nắm được ký tự tiếng Hán vì nó quá khó.


Trong những nỗ lực nhằm phát minh ra 1 hệ thống chữ viết tiếng Hàn, vua Sejong đã nghiên cứu nhiều hệ thống chữ viết khác được biết đến vào thời bấy giờ, trong đó có chữ Hán cổ, chữ Uighur và hệ thống chữ viết của người Mông Cổ.

Tuy nhiên, hệ thống mà họ quyết định lựa chọn chủ yếu dựa trên ngữ âm học. Hệ thống này được phát triển theo 1 nguyên lý bao quát là phân chia âm tiết thành 3 phần, bao gồm âm vị đầu, âm vị giữa và âm vị cuối, đối lập với sự phân chia âm tiết thành 2 phần trong âm vị học của chữ Hán cổ.

Hangeul
 bao gồm 10 nguyên âm và 14 phụ âm, có thể kết hợp thành vô vàn các nhóm âm tiết. Bảng chữ cái này hết sức đơn giản, có hệ thống, dễ hiểu và được coi là 1 trong những hệ thống chữ viết khoa học nhất trên thế giới. Hangeul rất dễ học và dễ viết, vì thế đã đóng góp 1 phần to lớn vào tỉ lệ biết chữ cao và 1 nền công nghiệp in ấn phát triển của Hàn Quốc.

(từ tài liệu Đai sứ quán Hàn Quốc tại VN)

Content Protection by DMCA.com
Bệnh Viện JW Hàn Quốc
Từ khóa: