Vinh danh Bác sĩ và Ekip chữa trị thành công chàng trai “hóa thạch mặt nghìn năm”

Ngày 05.036.2021, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y Tế, đại diện Bộ Y tế đã đến thăm bệnh nhân Lê Văn Mến và trao tặng bằng khen cho bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung và ê kíp tại Bệnh viện JW do điều trị thành công bệnh hiếm MRS, giúp anh Lê Văn Mến có gương mặt bình thường.
 
Toàn cảnh buổi lễ Bộ Y Tế trao tặng bằng khen danh giá cho Bác sĩ Tú Dung và Ekip Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chiều 5/3 đã trao bằng khen cho ê kíp bác sĩ Dung. Ông đánh giá cao hành trình nghiên cứu, tìm ra và chữa trị trường hợp biến dạng khuôn mặt nghiêm trọng kèm rối loạn chức năng đa cơ quan ở bệnh nhân mắc hội chứng Melkersson Rosenthal (MRS). Sau ba lần phẫu thuật, bác sĩ Tú Dung và đồng nghiệp đã bước đầu giúp bệnh nhân Lê Văn Mến (36 tuổi, An Giang), trở lại diện mạo tương đối bình thường, có thể thoải mái thực hiện những sinh hoạt đời thường.

TS.BS. Nguyễn Phan Tú Dung và Ekip JW nhận bằng khen danh giá từ Thứ trưởng Y Tế Nguyễn Trường Sơn

Anh Mến, quê Kiên Giang, bắt đầu chảy xệ gây biến dạng mặt từ năm 20 tuổi, cuộc sống gặp nhiều trở ngại, phải ngủ ngồi vì không thể thở khi nằm. Năm 2020 anh đến Bệnh viện JW điều trị. Trong 10 tháng, anh trải qua ba ca đại phẫu, với 29 giờ mổ, giúp gương mặt “như hóa thạch nghìn năm” trở về gần như bình thường.

Gương mặt chảy xệ với độ dài 26 cm, hiện chỉ còn 19 cm. Khuôn miệng to với khoảng rộng hai mép miệng kích thước 12 cm, được thu gọn còn 8 cm. Đôi môi dày do phù nề cũng được thu mỏng. Anh Mến có thể ăn uống bình thường, giọng nói rõ, và đặc biệt có thể ngủ nằm sau 15 năm.

Gương mặt anh Mến thay đổi ngoạn mục sau gần một năm điều trị

Đây là một câu chuyện cổ tích“, Thứ trưởng Sơn nói. Thứ trưởng cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là ngành làm đẹp cho người dân, còn giúp người khiếm khuyết tìm lại hình dáng bình thường, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Sơn, những nghiên cứu, phương pháp điều trị này đã thuyết phục giới khoa học trong và ngoài nước, giành huy chương của Hiệp hội Nội khoa Mỹ, cúp vàng Thành tựu y khoa Việt Nam 2020.

Thứ trưởng Y Tế Nguyễn Trường Sơn (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi sức khỏe và tặng quà bệnh nhân Lê Văn Mến 

Tiến sĩ, bác sĩ Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, cho biết để có thể gọi tên chính xác căn bệnh bí ẩn của bệnh nhân Mến, ê kíp đã mất hơn bốn tháng, tiến hành ba lần chẩn đoán giải phẫu bệnh tại 7 trung tâm xét nghiệm khác nhau. Nhóm nghiên cứu cũng phân tích hơn 75 mẫu bệnh phẩm và đưa các mẫu bệnh phẩm này đến ba trung tâm chẩn đoán di truyền về giải mã gene ở nước ngoài để phân tích chuyên sâu.

Bác sĩ Tú Dung liên tục thảo luận, phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước. Vì muốn có sự phản biện y khoa một cách rõ ràng, khoa học và chính xác nhất, nhóm nghiên cứu đã mổ xẻ hàng chục bài nghiên cứu, y văn thế giới, tập hợp và phân tích tỉ mỉ từng kết quả xét nghiệm. “Vô vàn thử thách, có những lúc tưởng chừng bế tắc, không thể tìm ra lời giải cho căn bệnh“, bác sĩ Tú Dung nói.

Cuối tháng 10/2020, công trình nghiên cứu về căn bệnh MRS đã ghi tên vào lịch sử y học thế giới, vượt qua hàng trăm đề tài từ các trường y khoa danh tiếng để xướng tên ngôi vị Á quân tại Hội nghị Nội khoa Mỹ. Điều này giúp ngành phẫu thuật thẩm mỹ khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.

Huy chương Á Quân tại Hoa Kỳ dành cho đề tài điều trị căn bệnh MRS cho bệnh nhân Lê Văn Mến

Thời điểm nhận hình ảnh của bệnh nhân do một nhà hảo tâm chuyển đến mong cứu giúp, bác sĩ Dung từng nghĩ khó có thể chữa trị. Khi kết nối tìm kiếm sự hỗ trợ y khoa, nhờ sự động viên của các đồng nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bác sĩ Dung thêm động lực để đồng hành cùng bệnh nhân trên chặng đường nhiều gian nan.

Chặng đường này đã chứng minh được giá trị vốn bị quên lãng của phẫu thuật thẩm mỹ là điều trị, giúp người bệnh có cơ hội để được sống thật sự“, bác sĩ Tú Dung nói.

Theo bác sĩ Tú Dung, sau ba ca mổ lớn, bệnh nhân Mến được điều trị thuốc 6 tháng, sau đó tiến hành khoảng ba cuộc mổ nhằm thu gọn môi, chỉnh hình mắt, mũi để bệnh nhân có gương mặt gần như bình thường nhất. Sau đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục dùng thuốc điều trị MRS, ngăn ngừa tái phát. “Bệnh nhân đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bệnh MRS, gồm corticosteroid liều cao, kháng sinh, vitamin…”, bác sĩ Tú Dung đánh giá.

Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung thăm khám cho anh Lê Văn Mến khi mới tiếp nhận vào giữa năm 2020

“Lúc trước tôi trốn trong nhà không dám đi đâu, ăn uống như cực hình, luôn phải dùng khăn để tém khuôn miệng chảy xệ, ngăn thức ăn trào ra”, anh Mến nhớ lại.

Ngày rời quê An Giang lên TP HCM, chính bản thân anh và mọi người xung quanh “không nghĩ sẽ có ngày hôm nay” vì đã từng đi một số nơi không chữa được. “Đối với tôi, khuôn mặt như bây giờ là đã chữa khỏi bệnh 100%, các y bác sĩ đã cho tôi một cuộc sống mà hàng chục năm qua tôi chưa từng dám mơ ước”, chàng trai mồ côi bố mẹ, nói.

Bác sĩ Tú Dung đưa anh Mến đi uống cafe tại quán – điều mà suốt 15 năm trời anh Mến không dám thực hiện vì mặc cảm ngoại hình

MRS là một hội chứng da – thần kinh hiếm gặp với tam chứng kinh điển là phù mặt tái diễn, liệt mặt và nứt lưỡi. Cơ chế bệnh sinh chưa được biết rõ. MRS được chẩn đoán xác định khi bệnh nhân có ít nhất hai đặc điểm lâm sàng của tam chứng hoặc có hình ảnh viêm u hạt mãn tính với ít nhất một triệu chứng lâm sàng.

Theo giáo sư Phillip Trần – một trong những chuyên gia nội khoa giàu kinh nghiệm của Mỹ, bệnh này hay bị chẩn đoán nhầm với u xơ thần kinh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể gây ra biến dạng mặt đáng kể, rối loạn chức năng đa cơ quan, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe tâm thần của người bệnh.

Giáo sư Phillip Trần nhận định để có kết quả chữa trị tốt như hiện tại, bác sĩ Tú Dung đã có sự phối hợp rất tốt, không những tìm lại gương mặt cho bệnh nhân mà còn phối hợp đa chuyên khoa từ đa quốc gia để tìm ra bệnh lý nội khoa nguyên nhân, giúp “đưa chuyên khoa thẩm mỹ Việt Nam lên tầm mới”.

NGUỒN: BÁO VNEXPRESS

Xem thêm:
Bệnh Viện JW Hàn Quốc