Năm người chỉ cho nhau bộ phận nào trên cơ thể chưa đẹp, rồi thay phiên bôi cồn sát khuẩn, dùng chung kim tiêm bơm silicon vào vị trí cần đẹp hơn, Hùng (không đồng ý nêu tên thật) cho biết.
Video bác sĩ phẫu thuật nạo silicon khỏi mặt Hùng
Silicon đựng trong chai nhựa không nhãn mác, màu trắng trong, hơi nhớt. Cách dùng là hấp silicon như thức ăn, sau đó lọc qua rây để mịn. Người bán hướng dẫn “silicon mới, mịn sẽ dễ tiêm; silicon để lâu ngày phải nấu lại”. Hùng cho biết mọi người bảo nhau trong quá trình tự tiêm, nếu silicon bị trào ra sẽ dùng “keo con voi” dán lại.
Hùng đã tiêm silicon vào môi, rãnh má, đầu gối và mông. Mới tiêm xong, Hùng cảm thấy khỏe mạnh bình thường, nhưng đến tối bắt đầu sốt run. Tối hôm sau, Hùng sốt cao, mặt ê buốt, sưng phồng, vùng má dần cứng đơ, đỏ bừng như nổi gân máu.
Môi, mặt, má của Hùng bị biến dạng sau tiêm silicon
Chàng trai đến thẩm mỹ viện, được nhân viên tại đây mổ “hút silicon” ra khỏi cơ thể, sau đó mặt vẫn căng cứng, sưng to gấp đôi bình thường. Hùng đến một bệnh viện ở TP HCM tiếp tục nạo silicon vùng mặt. Lúc này hóa chất đã lan rộng hai bầu má, mặt cứng đơ, môi hếch, miệng không thể cười.
Ngày 24/1, tiến sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, khám cho Hùng, xác định silicon nổi lợn cợn và lan hơn nửa khuôn mặt, mẩn đỏ, mụn mọc chi chít mưng mủ. Hùng tiếp tục mổ nạo vét silicon vùng mặt và môi để tránh nguy cơ hoại tử cả gương mặt.
“Silicon đóng thành từng khối cứng như bê tông, ngấm sâu và thẩm thấu từ lớp biểu bì da vào tận mô cơ bệnh nhân, gây viêm nặng”, bác sĩ Dung nói. Silicon cũng lan rộng làm tê cứng hoàn toàn vùng miệng, môi sưng to, phồng rộp, tím tái. Quá trình phẫu thuật bóc tách rất khó khăn vì silicon lỏng, vón cục và hòa lẫn vào mô hoại tử, rất khó để phân biệt.
Lưng mụn mủ chi chít vì tiêm silicon lỏng
Một cô gái ngoài 20 tuổi trong nhóm tiêm silicon cùng Hùng cũng bị biến chứng, đang trải qua nhiều cuộc mổ nạo vét silicon, cắt lọc hoại tử, ghép da. Cụ thể, cô gái bơm silicon vào trán, khiến vùng này thâm đen, hoại tử, lở loét. Dung nhan bệnh nhân bị hủy, mất khối cơ trán, phẫu thuật ghép da vẫn không thể hồi phục.
Một trường hợp khác, tiêm silicon vào mông khiến vùng mông hoại tử nặng, tạo thành các ổ áp xe nằm len lỏi bên trong khối cơ mông. Bác sĩ không thể lấy sạch silicon đã bơm vào. Hóa chất còn sót lại trong cơ thể cứ tiếp tục gây nhiễm trùng, hoại tử, bệnh nhân đã mổ 5-6 lần.
Những người còn lại trong nhóm tiêm silicon của Hùng hiện chưa ghi nhận biến chứng.
Năm 1991, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế Việt Nam ban hành quyết định cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên đến nay thứ chất lỏng chết người này vẫn còn lưu hành “chui” ở nhiều vùng quê, thậm chí một số cơ sở thẩm mỹ còn dùng một tên khác là “mỡ nhân tạo”.
Silicon lỏng tiêm vào cơ thể dễ gây biến chứng tắc mạch, hoại tử, nhiễm trùng, vón cục gây đau nhức. Thuyên tắc mạch thường xảy ra sớm trong một vài ngày đầu sau khi tiêm, tỷ lệ tỷ vong rất cao. Tình trạng nhiễm trùng có thể diễn biến chậm hơn, nếu xử lý chậm trễ dẫn đến nhiễm trùng máu.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp. Nên đến các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để được các bác sĩ tư vấn và thực hiện, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nhưng với một số người, khuyến cáo của bác sĩ cũng chỉ bay qua như gió thoảng. Sau cả tháng điều trị nạo vét silicon và vẫn chưa khỏi, Hùng tâm sự: “Tiêm silicon mà bị biến chứng như em, chỉ do ‘xui’ thôi“.
Nguồn: Báo VnExpress