Trong hướng dẫn sàng lọc tiêm vaccine Covid-19 mới nhất vừa ban hành chiều 10-9, Bộ Y tế chính thức bỏ việc đo huyết áp với phần lớn người tiêm chủng (chỉ đo trong trường hợp người tiêm có tiền sử tăng huyết áp, huyết áp thấp, trên 65 tuổi,…).
Bỏ quy định đo huyết áp trước khi tiêm vaccine Covid-19
Như vậy có cần đo huyết áp trước khi tiêm?
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã tham khảo ý kiến chuyên gia và họp vào đầu tháng 9 này để lấy ý kiến, bằng cách bỏ phiếu kín xem có cần phải đo huyết áp trước tiêm hay không.
Kết quả đa số thành viên đã bỏ phiếu theo phương án bỏ công đoạn đo huyết áp trước tiêm, chỉ đo huyết áp với người có bệnh nền và trên 65 tuổi.
Công văn sửa đổi quy trình khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19, theo hướng bỏ công đoạn đo huyết áp trước tiêm sẽ ban hành hôm 10-9.
Trước khi có công văn này, đo huyết áp là mục bắt buộc trong quy trình khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19, nhưng do căng thẳng, lo lắng trước tiêm, nhiều người huyết áp bình thường khi đo để tiêm chủng thì huyết áp tăng cao, phải đợi và đo nhiều lần, hoặc phải uống thuốc hạ huyết áp.
Có không ít người đã bị từ chối tiêm, theo các chuyên gia là bị “từ chối oan uổng”
Trong các nghiên cứu về tác dụng phụ vaccine Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa ghi nhận bất kỳ tai biến nào liên quan đến cao huyết áp.
Các khuyến cáo của WHO cũng không có khuyến cáo hoãn tiêm do huyết áp. Nhưng có người đã bị từ chối tiêm 7 lần do huyết áp cao và sau đó đã mắc COVID-19 rồi tử vong – một chuyên gia cho biết.
Đặc biệt hiện nay cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19, việc đo huyết áp rồi phải đợi, đo đi đo lại nhiều lần cũng khiến việc tiêm chủng chậm lại, trong khi đo huyết áp với đại đa số người đi tiêm trước khi tiêm vaccine Covid-19 lại không cần thiết và có nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 thông qua thiết bị đo huyết áp.
Trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại TPHCM, nhiều người đã phải hoãn tiêm vì huyết áp quá cao, trong đó có nhiều người trẻ. Các bác sĩ cảnh báo, tăng huyết áp có thể do mắc “hội chứng áo choàng trắng”
Hội chứng “áo choàng trắng”
Trong đợt cao điểm tiêm vaccine tại TP.HCM, nhiều người phải hoãn lịch tiêm vì bỗng dưng…bị huyết áp cao. Theo nhiều bác sĩ, có thể những người này đang gặp phải hội chứng “áo choàng trắng”.
Tăng huyết áp “áo choàng trắng” chỉ xảy ra tại phòng khám hoặc gặp nhân viên y tế, còn tăng huyết áp thật sự là huyết áp cao xảy ra trong nhiều thời điểm trong ngày. Trong số những người bị huyết áp cao, có khoảng 15%-30% có thể bị tăng huyết áp “áo choàng trắng”.
Huyết áp của bạn có thể tăng tạm thời do lo lắng khi gặp một nhân viên y tế, vấn đề này đáng để lưu tâm vì có thể là dấu hiệu sớm của tăng huyết áp thực sự, có thể gây hại cho tim bạn nếu diễn tiến âm ỉ lâu dài. Hãy gặp một bác sĩ và tìm ra cách tốt nhất để vượt qua vấn đề này.