Ung thư vú tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Đáng quan ngại hơn khi tỉ lệ này ngày càng gia tăng ở nước ta do tuổi thọ và tốc độ đô thị hóa tăng, dẫn đến thay đổi lối sống có hại đến sức khỏe. Trong điều trị ung thư vú, phẫu thuật được xem là “vũ khí” điều trị chủ lực. Rất nhiều phụ nữ phải cắt tuyến vú khi điều trị ung thư, vậy đâu là lối đi cho những người phụ nữ này hay cắt tuyến vú là bản án chung thân mà suốt đời họ phải gánh chịu?
Tâm sự xé lòng của người phụ nữ 8 năm sống cô độc
8 năm sống cô độc vì mặc cảm mất ngực
Đầu tháng 4/2021, Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc tiếp nhận một trường hợp hết sức đặt biệt: Bị cắt bỏ một bên vú (cắt toàn bộ tuyến vú và 1 phần cơ) do ung thư.
Đầu năm 2013, cô T.T.N phát hiện mình mắc ung thư vú trong một lần khám sức khỏe định kỳ. Cô cho biết, vì gia đình có em gái đã mắc ung thư vú nên cô luôn tuân thủ khám tầm soát 6 tháng/ lần. Cuối năm 2013, cô N. tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ bên vú trái để ngăn chặn tế bào ung thư di căn. Sau phác đồ hóa trị kéo dài hơn một năm, cô N. tạm biệt căn bệnh ung thư vú quái ác nhưng dấu vết của nó thì không xóa nổi – bên ngực trái bị cắt hoàn toàn. Để che đi vết sẹo lõm, năm 2017 cô N. được “chắp vá” bằng cách lấy một vạt cơ lưng đắp vào phần ngực bị cắt. Tuy nhiên, nỗi đau chưa bao giờ giảm đi kể từ ngày cô N. mất ngực.
Đối với người phụ nữ, vòng một ngoài là nét gợi cảm riêng biệt thì đây còn là điều thiêng liêng tuyệt đối bởi thiêng chức làm mẹ. Dù đã nuôi nấng hai người con trưởng thành, nhưng việc một bên ngực bị cắt do ung thư vẫn làm cô N. ám ảnh. Cô tâm sự rằng bản thân đã bị trầm cảm một thời gian dài, không muốn tiếp xúc ai kể cả hai đứa con cô vô cùng yêu thương. Hội chứng trầm cảm sau cắt tuyến vú ở bệnh nhân ung thư vú không phải là trường hợp hiếm gặp, nhưng thật khó để ngăn chặn điều này.
Ngoài ra, sau khi cắt tuyến vú, cô N. cũng cảm thấy tự ti với chính người bạn đời của mình. Cô ngại gần gũi và chia sẻ, dần tìm cách sống lủi thủi một mình. Cô N. cũng không còn tham gia các buổi gặp gỡ của bạn bè vì dáng vóc đã không còn được như xưa. Một vết chắp vá ở ngực trái và một vết sẹo to ở lưng đã khiến lòng cô N. khép lại. Căn bệnh ung thư vú khiến cô phải cắt tuyến vú không khác gì một bản án chung thân – sống không bằng chết.
Lối thoát cho bệnh nhân bị cắt tuyến vú
Tái tạo vú sau ung thư vú đã được nhiều tác giả nghĩ đến từ đầu thế kỷ 20. Tassini là phẫu thuật viên người Ý đầu tiên dùng vạt lưng rộng để tạo nên tuyến vú mới. Thập niên 1960 thì người ta nghĩ đến sử dụng túi để tái tạo vú. Từ đó đến nay, rất nhiều kỹ thuật tái tạo khác nhau đã được áp dụng và ngày càng được hoàn thiện để đem lại nhiều lựa chọn cho bệnh nhân và phẫu thuật viên.
Tại Việt Nam, phẫu thuật tái tạo vú trong điều trị ung thư thường bằng cách đặt túi nâng ngực hoặc vạt da tự thân, đôi khi cũng có thể kết hợp cả hai để tạo thể tích cho vú. Phương pháp này thường được thực hiện ngay sau phẫu thuật vú hoặc trì hoãn một thời gian sau phẫu thuật, tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân.
Riêng trường hợp của cô N., Bác sĩ Tú Dung (Giám Đốc Bệnh viện JW) sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo mặt bệnh lý, đã tư vấn phương pháp đặt túi ngực và cấy mỡ tự thân tạo sự mềm mại, tự nhiên cho ngực. Phương pháp tái tạo vú sau điều trị ung thư vú này được cho là tối ưu để có một vòng 1 hoàn hảo, tạo nét thẩm mỹ tốt nhất cho bệnh nhân bị cắt tuyến vú. Cũng theo phương pháp này, sau một thời gian ổn định, cô N. sẽ tiếp tục được tạo hình đầu vú để vòng 1 trở nên hoàn chỉnh, đúng với trạng thái ban đầu nhất.
Sau 5 giờ tái tạo…
Ekip mổ của Bệnh viện JW gặp nhiều khó khăn trong ca mổ, vì bệnh nhân đã bị cắt toàn bộ tuyến vú và một phần cơ ngực khiến cho khung ngực trái tràn rộng, lệch xa ngực phải. Để đảm bảo về mặt thẩm mỹ, đòi hỏi ekip phải chọn kích cỡ túi ngực và lượng mỡ tự thân phù hợp, điều này giúp hai bên ngực cân đối, hài hòa.
Bên ngực trái đã bị cắt bỏ được Bác sĩ Tú Dung và ekip đặt túi nâng ngực, kết hợp bơm mỡ tự thân tạo bầu ngực tròn đầy. Đặt biệt, túi ngực được đặt đúng vị trí nhằm thu gọn vào khung ngực, không to bè và cách xa ngực phải.
Bên ngực phải còn lại không bị ung thư vú tấn công, tuy nhiên sau khi cho con bú và lão hóa bởi tuổi tác, cô N. đã bị sa trễ cấp độ 3. Với bên ngực này, ekip đã treo tuyến vú và đặt túi với kích cỡ bé hơn. Như bên ngực trái, ekip cũng đã bơm mỡ tự thân để hai bên ngực cân xứng.
Sau 5 giờ trong phòng mổ, kết quả vòng một của cô N. hết sức ngoạn mục với hai bên ngực đồng đều nhau, căng tròn không thua gì các trường hợp nâng ngực bình thường khác. Chấm dứt 8 năm đau khổ chỉ sau 5 giờ đồng hồ, cô N. rưng rưng sau khi tận mắt nhìn thấy vòng 1 của mình: “Tôi cảm ơn Bác sĩ nhiều lắm!”.
Hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật tái tạo vú
Sau phẫu thuật tái tạo vú một ngày, cô N. đã hoàn toàn tỉnh táo. Sau khi thăm khám và kiểm tra vết thương, Bác sĩ Tú Dung cho biết bệnh nhân có thể về nhà nghỉ ngơi và tái khám sau một tuần nữa. Việc hồi phục nhanh cũng là một trong những ưu điểm của phẫu thuật tái tạo vú sau điều trị ung thư vú.
Nhiều hoàn cảnh đang rơi vào trạng thái tuyệt vọng như cô N. vì phải cắt tuyến vú mà chưa tìm được lối thoát, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đời sống. Thay vì buồn tủi và thu mình với gia đình, xã hội, thời nay bệnh nhân sau ung thư vú hoàn toàn có thể tìm đến phương pháp tái tạo vú. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tại các Bệnh viện có chuyên khoa Tạo hình thẩm mỹ. Bệnh viện JW tự hào là một trong những đơn vị uy tín tại TP.HCM về dịch vụ này.
Hành trình tìm lại cuộc sống cho bệnh nhân ung thư vú
Ung thư vú là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên đến 80% nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu. Chính vì thế, chị em phụ nữ cần hiểu rõ về bệnh, biết đâu là những yếu tố nguy cơ và cách dự phòng bệnh là gì.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú
- Độ tuổi: Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trên 45 tuổi. Ngoài ra, phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường;
- Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú;
- Yếu tố di truyền: trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị em gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn;
- Người từng bị ung thư: Từng mắc ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao;
- Dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi);
- Phơi nhiễm phóng xạ;
- Béo phì, lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học.
Cách phòng ngừa ung thư vú
- Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà;
- Khám định kỳ 6 tháng/ lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời;
- Duy trì lối sống lành mạnh: Bỏ thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, hạn chế chất béo, ăn nhiều rau xanh;
- Tập thể dục là một cách giúp bảo vệ và phòng ngừa ung thư vú rất hiệu quả vì nó làm giảm nguy cơ béo phì của cơ thể.
Bác sĩ Tú Dung cho rằng đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Với Bác sĩ Tú Dung, tái tạo vú là một việc làm ý nghĩa, bởi nó ngoài mang lại vẻ đẹp ngoại hình, còn là liều thuốc trị liệu tinh thần tốt nhất cho bệnh nhân sau ung thư.
Hiểu rõ về ung thư vú là chìa khóa giúp chính bạn và người thân đối diện với căn bệnh này. Và chắc chắn rằng cắt tuyến vú bởi ung thư không phải là bản án chung thân cho bệnh nhân ung thư vú./.